Bàn về khó khăn khi xử lý nợ xấu bất động sản, chủ tịch một công ty mua bán nợ nói thẳng: "Nợ xấu như một “khúc xương” nên giá bán nợ phải thấp hơn giá thị trường thì mới đủ hấp dẫn. Chứ giữ quan điểm bán nợ không mất vốn thì rất khó".

Sau khi được ban hành, Nghị quyết 42 được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng gỡ nút thắt xử lý khối nợ xấu tồn đọng hàng thập niên trong hệ thống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc bán đấu giá các khoản nợ xấu rất khó khăn, nhiều dự án bất động sản có vị trí đắc địa vẫn ế ẩm.

Giảm giá nhiều lần vẫn... ế

Chiều 8/10 là hạn cuối để nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá khoản nợ của Công ty CP Thuận Thảo Sài Gòn và 92 khách hàng, tuy nhiên không có ai đến đăng ký. Đây là lần thứ 3 công ty xử lý nợ đem khoản nợ này ra đấu giá, nhưng cũng ế ẩm giống 2 lần trước.

Đợt đấu giá đầu tiên tổ chức vào tháng 8 với giá khởi điểm là 1.208 tỉ đồng, bằng với nợ gốc. Sau đó giá đưa ra giảm xuống 1.090,373 tỉ đồng, rồi 1.035,855 tỉ đồng nhưng không ai mua. Mới đây nhất, khoản nợ Thuận Thảo Sài Gòn phải giảm giá đấu phiên tới 51,792 tỉ đồng xuống còn 984,063 tỉ đồng vì không có nhà đầu tư nào đăng ký mua.

Khoản nợ trên không cá biệt mà là tình trạng chung của các khoản nợ được mang ra đấu giá trước đó. Đơn cử, khoản nợ của Công ty TNHH Thành Phố Vàng với tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất 7.851,2 m2 (phường Phú Hữu, quận 9, Tp.HCM) đã nhiều lần tổ chức đấu giá nhưng vẫn ế ẩm dù đã liên tục giảm giá.

Trường hợp tiêu biểu nhất phải kể đến dự án phức hợp Sài Gòn One Tower với vị trí vô cùng đắc địa (34 Tôn Đức Thắng, quận 1, Tp.HCM). Dự án này chính là khoản nợ thu hồi đầu tiên sau khi có Nghị quyết 42. Vậy nhưng, đã hơn 1 năm nay, khoản nợ này vẫn dậm chân tại chỗ bởi có mức đấu giá cao ngất - 6.110 tỉ đồng (tổng dư nợ gốc lẫn lãi lên hơn 7.000 tỉ đồng). Giới đầu tư cho rằng, việc bán lại khoản nợ này không phải dễ bởi dự án đã bị bỏ hoang từ lúc hoàn thiện phần thô cho đến nay, ngoài tiền mua nợ, nhà đầu tư còn phải bỏ ra một số tiền khổng lồ mới có thể triển khai tiếp dự án.

Ngoại trừ các dự án ngàn tỉ, nếu không phải bất động sản thì những khoản nợ xấu có giá trị nhỏ hơn càng khó xử lý. Đơn cử, VietinBank chi nhánh Hà Nội mới đây đã ra thông báo về việc bán tài sản bảo đảm nợ vay của Công ty CP thương mại NEM để thu hồi khoản nợ hơn 110,8 tỉ đồng với dư nợ gốc gần 61 tỉ đồng.

Nhưng thực tế cho thấy khoản nợ này không dễ thu hồi, vì tài sản đảm bảo là quần áo thời trang tồn kho, tính đến 30/6 giá trị ghi nhận chưa đến 34 tỉ đồng. Đấy là chưa tính đến việc, VietinBank không công bố giá khởi điểm, trong khi khoản nợ lại cao gấp hơn 3 lần giá trị tài sản bảo đảm! Được biết, chiều 8/10 vừa qua, theo thông tin xác nhận từ phía nhà băng này thì khoản nợ trên vẫn chưa có giá khởi điểm đấu giá.

Ai cũng có tâm lý muốn săn hàng giảm giá


Ông Nguyễn Chí Hiếu, GĐ Công ty đấu giá Lam Sơn - đơn vị thực hiện tổ chức đấu giá khoản nợ Công ty Thuận Thảo Sài Gòn, cho biết tuy cũng có 4 - 5 nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu khoản nợ này nhưng chưa ai quyết định tham gia đấu giá bởi họ vẫn muốn chờ đợi giá khởi điểm dưới mức 1.000 tỉ đồng. Với những khoản nợ bán trọn gói lớn như vậy, khách hàng rất ít nên phải tổ chức nhiều lần. Bởi không chỉ cần đảm bảo năng lực tài chính, nhà đầu tư tham gia còn phải định giá tài sản, có phương án, mục đích sử dụng những tài sản đấu giá này như thế nào… rồi mới cân nhắc giá mua. Trong khi đó, thời gian gần đây, các ngân hàng, Công ty quản lý tài sản (VAMC) đưa số lượng khoản nợ ra đấu giá tăng khá nhiều so với trước đây nên cung luôn vượt cầu.

Thậm chí, chủ tịch một công ty mua bán nợ còn nói thẳng: "Nợ xấu như một “khúc xương” nên giá bán nợ phải thấp hơn giá thị trường thì mới đủ hấp dẫn. Chứ giữ quan điểm bán nợ không mất vốn thì rất khó. Đặc biệt các công ty chỉ mua nợ có tài sản đảm bảo là bất động sản, còn đối với tài sản đảm bảo là máy móc, thiết bị, hàng tồn kho..., đa phần nói “không”.

Nội dung Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu đã nêu rõ, các công ty được phép bán nợ xấu theo giá thị trường, tuy nhiên do không muốn lỗ nặng nên các chủ nợ thường đưa ra mức giá cao hoặc bằng nợ gốc. Trong khi đó, để được ngân hàng cho vay nhiều hơn, nhiều tài sản đảm bảo trong thời gian trước thường được định giá cao hơn thực tế. Nếu chủ nợ đòi bán với giá vốn vay thì giá khoản nợ quá cao, không mấy ai muốn mua.

Theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, đương nhiên các nhà băng bao giờ cũng muốn bán nợ giá cao, chỉ khi thị trường không chấp nhận thì họ mới điều chỉnh giảm giá xuống. Nghị quyết 42 của Quốc hội cho phép mua bán nợ xấu theo giá thị trường, thậm chí cho phép giá thấp hơn so với giá sổ sách. Nội dung này tạo sự hỗ trợ rất lớn cho các ngân hàng bán nợ xấu. Tuy nhiên, muốn bán được nợ xấu theo giá thị trường không hề đơn giản, nhất là với những khoản nợ lớn đòi hỏi phải có công ty định giá chuyên nghiệp.

Xem thêm: https://landber.com/chi-tiet-tin/thu...ao-o-ngay.html

(Theo Thanh Niên)

Các chủ đề cùng chuyên mục: